Theo TS. BS. Nguyễn Hoàng Bắc – Phó Giám đốc BV ĐH Y Dược TP.HCM thì trên phim X-quang, đến 50% dân số có hình ảnh thoái hóa xương – khớp nhưng chỉ một nửa trong số này là có triệu chứng lâm sàng ở khớp, đa số (75%) là ở khớp gối. Thoái hóa khớp là bệnh rất phổ biến, với khoảng 20% dân số bị mắc, số nữ bị gấp 2 lần nam. Bệnh bắt đầu sau tuổi 40 – 50.



Bệnh thoái hoá khớp gối là chứng bệnh mà bệnh nhân tuổi càng cao thì khớp xương càng bị lão hoá và bị bào mòn. Dần dần, sụn khớp bị phá hủy gây nên những cơn đau buốt, giới hạn vận động và gây biến dạng khớp gối làm mất khả năng đi đứng bình thường của người bệnh.


Nguyên nhân gây nên thoái hoá khớp xương này là sự liên quan tổng hợp của nhiều nguyên nhân như tuổi thọ cao, sự lão hoá các bộ phận, thể trọng, nghề nghiệp,…

Chụp phim với tư thế đứng trên 1 chân bị đau sẽ thấy hình ảnh xơ đặc xương vùng khe khớp bên trong, nặng hơn có thể thấy hẹp khe khớp và các gai xương. Tiến triển lâu dài khớp gối sẽ bị hư hoàn toàn và biến dạng, vẹo vào trong, gây đau đớn khi đi lại; sụn hư hoàn toàn gây tàn phế không đi đứng được hoặc gãy xương do đi không vững té ngã.

Điều trị bắt đầu bằng việc giảm thể trọng, thay đổi hoạt động, dùng dụng cụ chỉnh hình hỗ trợ, dùng thuốc kháng viêm giảm đau và chế độ tập luyện thích hợp. Việc điều trị bằng thuốc nếu sau 6 tháng không hiệu quả sẽ phải sử dụng đến biện pháp phẫu thuật.

Hiện tại, có nhiều cách như làm nội soi cắt hoạt mạc và làm sạch sụn hư bằng sóng radio cao tần, khoan xương kích thích tạo sụn mới; ghép xương sụn tự thân qua nội soi; đục xương sửa trục khớp gối cho thẳng trở lại. Biện pháp cuối cùng khi sụn hư hoàn toàn là thay khớp gối nhân tạo toàn phần hoặc bán phần.